- Thứ tư, 26/06/2019 02:40 (GMT+7) THEO baophapluat.vn
Tổng Cục Hải Quan vừa ban quyết định 1716/QD-TCHQ về việc thi hành kỷ luật công chức đối với ông Phạm Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM vì sử dụng giấy công nhận văn bằng thạc sĩ “không hợp pháp”. Theo đó, ông Hùng bị kỷ luật với hình thức khiển trách do đã sử dụng Giấy công nhận văn bằng thạc sĩ số 012830/CNVB-Ths ngày 16/2/2017. Ông Phạm Quốc Hùng đã vi phạm quy định Thông tư số 11/2012/TT-BNV ngày 17/12/2012 của Bộ Nội vụ quy định về chế độ báo cáo thống kê và quản lý hồ sơ công chức.
Ông Phạm Quốc Hùng, Phó Cục trưởng, Cục Hải Quan TP.HCM
Sử dụng bằng “dỏm” với mục đích gì?
Theo nhận định chung, việc kỷ luật cán bộ công chức đối với Tổng cục Hải Quan lần này khá kịp thời và đúng quy trình. Tuy nhiên, vấn đề mà dư luận đặt ra hiện nay, liệu việc sử dụng văn bằng “không hợp pháp” phải chăng như một loại văn bằng giả nhưng “mập mờ” câu chữ nên cần được làm rõ, áp dụng theo đúng quy phạm pháp luật.
Khi ông Phạm Quốc Hùng hoàn thiện hồ sơ cá nhân để thực hiện báo cáo, thống kê công chức thì bị phát hiện sự việc. Việc bổ sung hồ sơ công chức có phải làcơ sở để cấp trên xem xét, cân nhắc lên chức vụ cao hơn chăng?. Điều đáng nói, dù đã biết mình đang sử dụng bằng “dỏm” nhưng ông Hùng vẫn ngang nhiên khai báo trong hồ sơ, lý lịch đó là bằng thật.
Sử dụng bằng “không hợp pháp” có thể bị kỷ luật cách chức
Theo quy định tại Luật cán bộ, công chức 2008 22/2008/QH12 và Nghị định 34/2011/NĐ-CP, đối với công chức có hành vi sử dụng bằng cấp giả, chứng chỉ giả có thể bị xử lý kỷ luật theo một trong các hình thức kỷ luật sau đây:
- Kỷ luật cảnh cáo đối với công chức sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tham gia đào tạo, bồi dưỡng; được dự thi nâng ngạch công chức;
- Kỷ luật cách chức đối với công chức sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ;
- Kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị;
Theo quy định trên thì ông Phạm Quốc Hùng phải bị cách chức, trong khi hiện nay chỉ bị kỷ luật ở mức độ khiển trách, liệu đã đúng với quy định của Luật cán bộ, công chức 2008 22/2008/QH12 và Nghị định 34/2011/NĐ-CP của Chính phủ?
Chứng nhận do Cục khảo thí và kiểm định chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cấp cho ông Phạm Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Hải Quan TP.HCM
Được biết, bằng Thạc sỹ (The Master by Coursework) của ông Phạm Quốc Hùng được Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận vào ngày 16/2/2017 không có ghi số văn bằng của Trường đại học I-Shou – Đài Loan, nơi ông Hùng có bằng tốt nghiệp. Trên giấy chứng nhận của Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng ghi ông Hùng tốt nghiệp thạc sỹ vào ngày 20/8/2013 nhưng đến 16/2/2017, Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng mới cấp giấy chức nhận!
Theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 01/01/2018), được sửa đổi Khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017:
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
Quyết định về việc thi hành kỷ luật công chức đối với ông Phạm Quốc Hùng, Phó Cục trưởng, Cục Hải Quan TP.HCM. Vậy ông Quốc Hùng có vi phạm vào tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức Nhà nước nhằm mục đích thay đổi lý lịch công chức hay không?
Công chức sử dụng bằng "dỏm", bằng cấp chưa được Bộ Giáo dục công nhận, các nơi xử lý thế nào?
Tháng 9/2018, huyện Thăng Bình, Quảng Nam cách chức 05 cán bộ sử dụng bằng trung học phổ thông trung học không hợp pháp hay còn gọi là bằng "dỏm" để làm hồ sơ để được quy hoạch và bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ xã Bình Minh nhiệm kỳ 2010 - 2015 và 2015 – 2020.
Cuối năm 2017, Ủy ban kiểm tra Trung ương cũng đã công bố kỹ luật ông Nguyễn Xuân Anh, nguyên Bí thư thành ủy Đà Nẵng do kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và quy định những điều đảng viên không được làm.
Mặc dù ông Nguyễn Xuân Anh đã khai báo bằng cấp đã học Trường Southern California University for Professional Studies (SCUPS) sau tháng 10-2007 đổi tên thành California Southern University. Thế nhưng trường chưa được Bộ Giáo dục đào tạo Việt Nam công nhận bằng nên vẫn bị đưa vào diện khai mang bằng cấp.
Liên quan đến vấn đề Tổng cục Hải Quan kỹ luật khiển trách đối với ông Phạm Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Hải Quan TP.HCM, Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã liên hệ với Cục Hải Quan TP.HCM để tìm hiểu rõ vì sao lại "giơ cao đánh khẽ" trong trường hợp này? Phải chăng Cục Hải Quan TP.HCM đang bao che, xử lý nội bộ?
Dư luận đang quan tâm về việc kỷ luật khiển trách đối với ông Phạm Quốc Hùng do Tổng Cục Hải Quan đưa ra là quá nhẹ so với quy định, thiếu tính răn đe, từ đó có thể tiếp tục tạo tiền lệ xấu cho các cán bộ đương chức vi phạm. Nên chăng, các cơ quan chức năng cần biện pháp xử lý đúng việc đúng tội, công tâm, công bằng, đảm bảo các quy định của pháp luật và pháp lệnh công chức, góp phần làm trong sạch bộ máy lãnh đạo tại các cơ quan công quyền.
Hoàng Dũng